Dễ dàng bị hoảng sợ về bệnh tật
Những người rối loạn lo âu bệnh tật sẽ bận tâm quá mức rằng mình đang mắc một bệnh nghiêm trọng, hoặc một bệnh lý gì đó mà bác sĩ chưa tìm ra. Những người bệnh này có thể dễ dàng bị hoảng sợ bởi bất cứ dấu hiệu nào của bệnh tật, cho dù đó là những triệu chứng bình thường hoặc rất nhẹ.
Đối với người mắc rối loạn lo âu bệnh tật những triệu chứng nào đó của cơ thể cũng là báo hiệu cho một căn bệnh ác tính xảy ra.
Gần như họ lo lắng quá mức bất kỳ một dấu hiệu hình thường hoặc rất nhẹ như đổ mồ hôi nhiều, một vài vết bầm trên da hoặc đôi khi bị tiêu chảy sau khi ăn thức ăn lạ là dấu hiệu của một bệnh nan y. Sự lo lắng quá mức ở bệnh nhân rối loạn lo âu bệnh tật có thể cảm thấy đau khổ, tuyệt vọng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Sự lo lắng quá mức ở bệnh nhân rối loạn lo âu bệnh tật có thể cảm thấy đau khổ, tuyệt vọng. Ảnh minh họa
Yếu tố nguy cơ của rối loạn lo âu bệnh tật là gì?
Những yếu tố nguy cơ của của rối loạn lo âu bệnh tật có thể bao gồm:
- Có cuộc sống áp lực
- Trước đây, đã từng mắc phải một bệnh nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và sau đó hồi phục lại
- Lúc nhỏ từng bị lạm dụng
- Lúc còn nhỏ từng bị bệnh nặng hoặc ba mẹ, người thân anh chị em bị bệnh nặng
- Theo dõi những thông tin sức khỏe trên internet quá mức
Nhận biết rối loạn lo âu bệnh tật
Thông thường những người mắc rối loạn lo âu bệnh tật không có các triệu chứng cơ thể. Hoặc nếu có cũng là những triệu chứng rất nhẹ như thỉnh thoảng đau, nhức một vài ngón tay hoặc cảm giác bụng cồn cào.
Những người mắc rối loạn lo âu bệnh tật thường đi khám rất nhiều nơi, gặp rất nhiều bác sĩ, đa số họ được chẩn đoán rằng không mắc bệnh hoặc bệnh chỉ nhẹ.
Mặc dù đã được làm rất nhiều các xét nghiệm và các xét nghiệm đều chỉ ra rằng họ không có bệnh lý hoặc bệnh không nghiêm trọng, nhưng họ vẫn cảm giác lo lắng "Chắc rằng mình đang bị bệnh nan y gì đó nhưng bác sĩ không tìm ra" và họ vẫn tiếp tục đi tìm bác sĩ khác.
Thực tế ghi nhận, đa số người bệnh rối loạn lo âu bệnh tật không có triệu chứng cơ thể. Một số trường hợp có biểu hiện thì đó thường là những triệu chứng sinh lý bình thường bị tăng lên như chóng mặt tư thế, những rối loạn sinh lý bình thường.
Đôi khi là những khó chịu của cơ thể nhưng không được xem là bệnh (ví dụ như ợ hơi). Thậm chí, những người này có thể được chẩn đoán đang mắc bệnh, nhưng sự lo lắng và bận tâm rõ ràng là quá mức và không tương xứng với mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Những người này thường dễ bị hoảng loạn, lo sợ khi nghe thấy một ai khác đổ bệnh hoặc đọc một dòng tin tức về sức khỏe có những triệu chứng giống mình.
Cũng có trường hợp rối loạn lo âu bệnh tật lại lo lắng tránh né kiểm tra sức khỏe vì họ sợ sẽ phát hiện ra mình bị bệnh nan y.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Trên thực tế nếu quá lo lắng về sức khỏe của mình, sau khi đi khám hoặc sợ không đi khám khiến cho tình trạng lo lắng, mất ngủ… bạn nên đến bác sĩ tâm lý để được tư vấn cụ thể. Bởi những triệu chứng cơ thể có thể liên quan đến những vấn đề sức khỏe thật sự, chúng ta cần được đánh giá bởi bác sĩ. Nếu bác sĩ tin rằng bạn có thể bị rối loạn lo âu về bệnh tật, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Một số phương pháp giúp bản thân vượt qua nỗi sợ bệnh tật:
– Hàng ngày liệt kê những biểu hiện lo lắng của bản thân trong thời gian gần đây ra giấy, sau đó cố gắng tự kiểm soát hạn chế các biểu hiện đó ít nhất có thể;
– Tự tạo ra niềm vui đối với bản thân, thiết lập lại những sở thích mà thời gian gần đây đã bỏ quên như tham gia vui chơi cùng nhóm bạn, đi shopping, tập thể dục buổi sáng, đọc sách hoặc tham gia khóa học yoga…
Tóm lại: Rối loạn lo âu bệnh tật có thể đem lại những khó khăn trong cuộc sống. Những rối loạn lo âu bệnh tật có thể liên quan đến trục trặc các mối quan hệ; Nghỉ việc quá nhiều; Có thể mắc những rối loạn tâm thần khác như rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm hoặc rối loạn nhân cách… Việc đi khám rất nhiều bác sĩ, làm rất nhiều xét nghiệm làm mất nhiều tiền bạc. Vì vậy, khi có các biểu hiện bất ổn trong cơ thể, lo lắng quá mức… hãy đến bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ và tìm cách đối phó với rối loạn lo âu bệnh tật.